Thiết kế chưa có tên (2)
Hinh-2

Tọa đàm chuyên đề thuế Thứ Sáu 17/5/2024

Tọa đàm chuyên đề: “Cập nhật thuế trong bối cảnh chuyển đổi số” diễn ra ngày 17/5, tại TP HCM. Đây là sự kiện do Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) và Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước thuộc Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) phối hợp tổ chức, với sự tham gia của các chuyên gia thuế, giảng viên, sinh viên và đại lý thuế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Phạm Khánh Nam, Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước-UEH đặt vấn đề: Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại, mang đến cả cơ hội lẫn thách thức cho DN và nền kinh tế. Xu hướng này làm thay đổi cách thức tiêu dùng cũng như cung ứng hàng hóa và dịch vụ, nhất là các hoạt động trên nền tảng số khiến công tác quản lý thuế trở nên phức tạp hơn. Do đó, mô hình quản lý thuế đang rất cần nhanh chóng bắt nhịp trước các hình thức kinh doanh mới nhằm hạn chế nguy cơ thất thu thuế, đồng thời hạn chế gây khó khăn cho người nộp thuế trong việc tuân thủ các quy định về thuế.
“Tôi cho rằng các thảo luận về chủ đề thuế trong chuyển đổi số là rất kịp thời, đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn cũng như khoảng trống trong lý thuyết và các vấn đề chuyên môn. Hy vọng đây sẽ là nơi để các học giả, chuyên gia và DN thảo luận sâu sắc, đem lại cái nhìn toàn diện hơn về quản lý và tuân thủ pháp luật thuế; đồng thời tọa đàm cũng sẽ đưa ra những gợi mở, định hướng chính sách quản trị và thực hành thuế hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ ở Việt Nam”- PGS.TS Phạm Khánh Nam bày tỏ thêm.
PGS.TS Phạm Khánh Nam, Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước phát biểu tại hội nghị
Trong phần trình bày về chủ đề “Quản lý thuế đối với thương mại điện tử – Cơ hội và thách thức”, TS Trần Trung Kiên, Giám đốc chương trình đào tạo thuế của Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước-UEH, nhìn nhận: Đứng trước sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số, các DN cần thay đổi chiến lược, quy trình sản xuất và mô hình kinh doanh phù hợp để tồn tại và phát triển. Trong đó, thương mại điện tử (TMĐT) có các ưu thế đặc trưng đó là: khả năng tiếp cận khách hàng rộng lớn, không bị giới hạn địa lý; cho phép người tiêu dùng mua sắm bất cứ khi nào và ở bất cứ đâu có kết nối internet; hình thức kinh doanh TMĐT cũng hết sức đa dạng, là hệ thống phức tạp liên quan đến nhiều bên tham gia nhằm đảm bảo quá trình mua bán hàng hóa trực tuyến; có khả năng tùy chỉnh hoạt động và hình thức kinh doanh một cách dễ dàng; đặc biệt, TMĐT tạo ra một lượng lớn dữ liệu (big data) về hành vi của người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh.
TS Trần Trung Kiên cũng trích dẫn từ các phân tích của chuyên gia nước ngoài cho thấy, các mô hình kinh doanh mới này tiềm ẩn yếu tố kỹ thuật số có thể phá vỡ hay khó xác định cơ sở đánh thuế theo cách truyền thống. Từ đó, cơ quan quản lý thuế rất khó giám sát và thu thập thông tin. Các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT có thể dễ trốn thuế hơn so với hình thức kinh doanh truyền thống nhờ công nghệ số có thể bảo mật thông tin trong kinh doanh, điều này tạo ra thách thức cho các cơ quan thuế trong việc quản lý, truy thu thuế đầy đủ từ các hoạt động TMĐT.
Phân tích từ giác độ nghiên cứu về quản lý thuế TMĐT, một chuyên gia của Trường Đại học Cửu Long cho biết: ngành Thuế cả nước hiện đang quản lý trên 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, với ước tính lượng truy cập 3,5 triệu lượt/ngày; trong đó có 41/357 sàn TMĐT lớn bán hành, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài. Kết quả số thu thuế nhà thầu lũy kế từ năm 2018 đến 2023 đã thực hiện 6.656 tỷ đồng. Trong đó, có một số nhà cung cấp nước ngoài đã khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook nộp 2.076 tỷ đồng; Google nộp 2.040 tỷ đồng ; Microsoft nộp 699 tỷ đồng… Và sau gần 1 năm triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đến cuối năm 2023 đã có 94 nhà cung cấp, trong đó có 26 “ông lớn” như: Microsoft, Facebook, Netfix, Samsung, TikTok, eBay… đã đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế 14.500 tỷ đồng. Đối với TMĐT của các DN, cá nhân kinh doanh trong nước, chỉ riêng năm 2023 thì doanh thu quản lý là: 3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp vào NSNN là 97.000 tỷ đồng. Hiện nay, cơ quan thuế đang tiếp cận các nền tảng có hoạt động TMĐT để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp, bao gồm 8 nhóm nền tảng: sàn giao dịch TMĐT, Website/ứng dụng TMĐT, mạng xã hội, giao thông, vận tải, giao nhận, đại lý, thuê bao, quảng cáo và kho ứng dụng.
Cũng theo diễn giả Trường Đại học Cửu Long, để quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đúng đối tượng nộp thuế, kiểm soát hết giao dịch kinh doanh TMĐT, theo dõi và giám sát các dòng tiền trong kinh doanh trực tuyến… luôn là những thách thức mới đối với cơ quan thuế cũng như cơ chế, công tác phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực đòi hỏi cần phải có sự chặt chẽ, đồng bộ hơn để tạo cơ sở dữ liệu dùng chung. Trước hết, về hành lang pháp lý, cần sớm sửa đổi quy định không miễn thuế khâu nhập khẩu đối với giao dịch nhập khẩu giá trị thấp hơn 1 triệu đồng/ngày; sửa đổi điều khoản cơ sở tính thuế phù hợp với điều kiện kinh tế số; sửa đổi quy định về đối tượng chịu thuế GTGT; quy định trách nhiệm khấu trừ tại nguồn của sàn giao dịch TMĐT trong trường hợp sàn giao dịch TMĐT là sàn cung cấp dịch vụ thanh toán hoặc trực tiếp tham gia vào khâu giao nhận hàng hóa. Về quản lý thuế, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để kiểm soát công nghệ; phát triển công nghệ tự tính thuế theo thời gian thực phát sinh giao dịch; sớm xây dựng và vận hành Trung tâm phòng chống trốn lậu thuế công nghệ cao và cơ quan đầu mối phụ trách; phta1 triển hệ thống dò tìm tự động các giao dịch đáng ngờ; xây dựng quy trình thanh tra/kiểm tra hoạt động TMĐT và cần thiết thành lập cấp phòng/đội chuyên quản lý thuế hoạt động TMĐT tại các tỉnh/thành.
Trong phần chia sẻ với chủ đề: “Quá trình thực hiện các quy định về thuế trong bối cảnh chuyển đổi số”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã trình bày nhiều nội dung liên quan đến các quy định về thuế trong bối cảnh chuyển đổi số; thực hiện hoá đơn điện tử – thuận lợi và khó khăn; lưu ý khi xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN và trong kê khai quyết toán thuế TNCN từ tiền lương tiền công… Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm “Cập nhật thuế trong bối cảnh chuyển đổi số”, trong phần trao đổi, hỏi đáp đã được nhiều cử tọa quan tâm đến các vấn đề về: thủ tục đăng ký, nghĩa vụ thuế khi có hợp đồng kinh doanh TMĐT, các phương pháp tính thuế đối với công ty có hợp đồng kinh doanh TMĐT; kê khai thuế đối với hộ kinh doanh TMĐT; thu thuế TNCN đối với KOL/KOC; mức phí trả cho sàn TMĐT có có được trừ khi tính thuế… Với các nội dung này, các diễn giả và chuyên gia thuế cũng đã trực tiếp giải đáp thỏa đáng, giúp cho các đại biểu tham gia tọa đàm và sinh viên ngành tài chính, thuế học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích về chính sách thuế, hóa đơn điện tử, thuế đối với TMĐT, chuyển đổi số.
Tại buổi tọa đàm này, bà Phạm Nguyễn Thị Ngọc Châu, Trưởng ban Đối ngoại Khối Giáo dục – Đào tạo ACCA Việt Nam đã cung cấp thêm các nội dung về thuế có trong chương trình đào tạo của ACCA và cơ hội nghề nghiệp liên quan đến chuyên ngành Thuế. Tiếp sau hội nghị buổi sáng, chiều cùng ngày đã tiếp tục diễn ra tọa đàm: “Thuế và định hướng dành cho sinh viên trong bối cảnh chuyển đổi số”. Đây là hội nghị dành cho đối tượng sinh viên và các đối tượng khác có quan tâm tìm hiểu về thuế và cơ hội nghề nghiệp, định hướng ngành nghề trong lĩnh vực thuế, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, TMĐT phát triển tốc độ cao và hội nhập quốc tế ngày càng diễn ra sâu rộng như hiện nay.