Khoa Tài chính công tổ chức buổi hoạt động Hội thảo khoa học chủ đề Hệ thống pháp luật thuế Việt Nam, Với sự trình bày của Diễn giả từ bộ môn Thuế bao gồm TS. Trần Trung Kiên và TS. Nguyễn Kim Quyến vào 29/10/2022, Khoa Tài chính công tổ chức buổi HTKH theo hình thức offline. Buổi báo cáo khoa học nhận được nhiều sự quan tâm chia sẽ của các giảng viên khoa Tài chính công và đa dạng khách mời tham gia.
Tổng quan các bài trình bày gồm
1. GIAO DỊCH LIÊN KẾT: QUY ĐỊNH ĐẾN THỰC TIỄN ÁP DỤNG Ở VIỆT NAM – Nguyễn Kim Quyến
Giao dịch liên kết là giao dịch phát sinh giữa các bên có quan hệ liên kết trong quá trình sản xuất, kinh doanh và các bên liên kết có thể tiến hành những hoạt động nhằm thu lợi do chênh lệch thuế suất thuế thu nhập giữa các bên liên kết. Việt Nam mặc dù đã có quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm hạn chế những hành vi làm xói mòn cơ sở thuế, gây thất thu thuế, tuy nhiên khi triển khai áp dụng đã phát sinh một số vướng mắc cần sửa đổi. Bài viết này phân tích những điểm còn vướng mắc và đề xuất khuyến nghị nhằm khắc phục tồn tại của quy định hiện hành về giao dịch liên kết trong quản lý thuế.
2. MỐI QUAN HỆ TƯƠNG QUAN TUYẾN TÍNH GIỮA KIẾN THỨC THUẾ, TÍNH CÔNG BẰNG CỦA THUẾ VÀ TÍNH TUÂN THỦ THUẾ CỦA NGƯỜI NỘP THUẾ – Lê Quang Cường
Cơ chế tự khai tự nộp thuế có sự phụ thuộc rất lớn đến tính tuân thủ thuế của người nộp thuế. Việc tự khai tự nộp thuế chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi người nộp thuế có tác phong tuân thủ thuế tự nguyện. Bài viết tập trung vào việc tìm hiểu về cơ sở lý luận hiện tại của kiến thức thuế, tính công bằng của thuế và tuân thủ thuế của người nộp thuế. Bên cạnh đó, bài viết sẽ chứng minh mối quan hệ tương quan tuyến tính giữa kiến thức thuế, tính công bằng của thuế và tính tuân thủ thuế của người nộp thuế. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng và thu thập số liệu trên cơ sở khảo sát hành vi của người nộp thuế. |
3. QUẢN LÝ THUẾ ĐỐI VỚI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ – CẦN HOÀN THIỆN HÀNH LANG PHÁP LÝ – Trần Trung Kiên & Nguyễn Văn Cương
Quá trình số hóa và bối cảnh dịch bệnh tạo ra cơ hội cho thương mại điện tử phát triển vượt bậc. Thương mại điện tử đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế số và là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý thuế bởi những đặc trưng khác biệt với các hình thức kinh doanh truyền thống. Cơ quan quản lý thuế đã một số nỗ lực song vẫn chưa hoàn thiện và thiếu sự đồng nhất. Các thay đổi về chính sách thuế vẫn chưa cho thấy sự hiệu quả trước sự phát triển và thay đổi không ngừng của hình thức kinh doanh này. Mô hình quản lý thuế theo cách thức truyền thống ở Việt Nam đang phát sinh nhiều hạn chế, bất cập. Theo đó, nhóm tác giả tập trung phân tích hành lang pháp lý về chính sách thuế và cách thức quản lý thuế hiện hành đối với thương mại điện tử, từ đó, đề xuất các giải pháp phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
4. THỰC THI CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA HỖ TRỢ NỀN KINH TẾ TRONG GIAI ĐOẠN COVID-19 Ở VIỆT NAM – TIẾP CẬN TỪ CHI TIÊU THUẾ – Đặng Thị Bạch Vân
Chi tiêu thuế thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định thực tiễn vì ý nghĩa của nó đối với các mục tiêu chính sách của chính phủ; mặc dù vậy, sự thiếu đồng nhất về dữ liệu chi tiêu thuế làm cho nghiên cứu về chủ đề này bị giới hạn (Dom & McCulloch, 2019; von Haldenwang, Redonda, & Aliu, 2021). Khi thế giới trải qua giai đoạn đại dịch COVID – 19, chi tiêu thuế quay lại trở thành chủ đề đương thời, bàn về vai trò của các chính sách tài khóa đối với việc hỗ trợ tài chính cho phát triển toàn diện hoặc phục hồi sau đại dịch (De Mooij, Fenochietto, Hebous, Leduc, & Osorio-Buitron, 2020; Dom & McCulloch, 2019; Harman et al., 2021). Bài viết này tập trung phân tích các khía cạnh chi tiêu thuế của Việt Nam giai đoạn 2019 – 2022 nhằm phát họa bức tranh Việt Nam sử dụng công cụ tài khóa hỗ trợ phục hồi trong giai đoạn đại dịch COVID-19
5. NHỮNG BẤT CẬP TRONG THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐÁNH VÀO TIỀN LƯƠNG Ở VIỆT NAM – Nguyễn Ngọc Hùng
Mục tiêu chính của bài viết nhằm tìm ra những bất cập trong chính sách thuế thu nhập cá nhân đánh vào tiền lương ở Việt nam và đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục những bất cập của chính sách thuế thu nhập cá nhân đánh vào tiền lương trong thời gian tới.